có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 12 30, 2016

Nhớ Khả Năng, Cây Cười Ý Nhị




Nhớ Khả Năng – Cây Cười Ý Nhị

Khoảng đầu thập niên 70s của thế kỷ trước, người miền nam không ai là không biết hay đã từng nghe nhắc đến tên tuổi của danh hài Khả Năng. Ông được coi là 1 trong số 7 gương mặt gây cười tiêu biểu trong làng hài miền nam bao gồm; Phi Thoàn, Thanh Việt, Thanh Hoài, Tùng Lâm, Hoàng Mai, Văn Chung và Khả Năng. Dĩ nhiên sự sắp xếp thứ hạng này chỉ có tình tương đối và theo chủ quan của công chúng. Bên cạnh họ còn có những tên tuổi lừng danh khác như Xuân Phát, La Thoại Tân, Hề Minh, Văn Hường … hay bên nữ như Mỹ Chi, Bà Năm Sa-Đéc, Tương Vi .. 

Khả Năng là người gốc miền trung, có tài liệu ghi là thuộc vùng Qui Nhơn-Bình Định. Ông vào Sài Gòn lập nghiệp khi cộng tác cho ban kịch “Dân Nam” của nghệ sĩ Anh Lân. Từ đó chàng thanh niên “xứ Nẩu” đã dần được công chúng cả miền nam chú ý và gầy dựng cho mình một tên tuổi lớn trong làng hài Việt Nam. 

Người ta thường gọi ông là “Hề Mập” vì tướng mạo to lớn của ông. Thời đó, mỗi danh hài hay được khán giả ưu ái gắn với một tên gọi như một “đặc điểm nhận dạng” riêng tùy theo cá tính hay vóc dáng của họ. Tùng Lâm được gọi là “Hề Lùn”, Thanh Việt là Hề Râu hay Phi Thoàn là “Hề Ốm”…

 Hề Mập-Khả Năng và Hề Ốm-Phi Thoàn có thực hiện chung một chương trình “hài quân đội” mang tên “Binh Méo-Cai Tròn”, phát mỗi trưa trên đài phát thanh Quân Đội. Đây là chương trình rất được công chúng ưa thích, không chỉ trong các khu gia binh mà còn cả với đại chúng ngoài xã hôi. 

Chương trình này thường hay nói về những đề tài có tính cách tuyên truyền nhưng lồng vào những tình huống khôi hài ý nhị. Nét độc đáo của chương trình này chính là sự tương phản giữa hai cá tính hài “Tỉnh” của Khả Năng và hài “Thoại” của Phi Thoàn và mang tính giải trí cao. 

Khả Năng tạo tên tuổi cho mình nhờ nét diễn hài độc đáo. Với một tạng người to lớn, dềnh dàng, và gương mặt ngớ ngẩn, hơi chút ngây thơ hay quê kệch, Khả Năng mang tiếng cười đến công chúng bằng nét diễn từ tốn, chậm rãi. Tiếng cười của ông mang lại là tiếng cười ý nhị, sâu sắc, khiến người xem phải suy nghĩ, đôi khi tự xét lại mình. Nó thường là cách để đả phá những thói hư tật xấu của con người trong xã hội. 

Danh hài Khả Năng cộng tác trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Ngoài chương trình “Binh Méo-Cai Tròn”, Khả Năng còn xuất hiện trong chương trình “45 Phút Chuyện Vui” của nghệ sĩ La Thoại Tân trên đài truyền hình; Chương trình Tiếu Vương Hội của Đức Phú; hay cho các hãng dĩa nhựa như Sóng Nhạc, Tân Thanh ... trong các tiết mục hài hước. Đôi khi người ta thấy ông xuất hiện trong các phim truyện, phim hài như Nhà tôi, Võ sĩ bất đắc dĩ, Con ma nhà họ Hứa, Chàng Ngốc gặp hên... Tuy nhiên, thường xuyên nhất vẫn là khi ông cùng các danh hài Thanh Việt, Tùng Lâm và Thanh Hoài trong sân khấu đại nhạc hội, đặc biệt là sân khấu Đại Nhạc Hội “Cù Léc” do Tùng Lâm thực hiện tại các rạp Hưng Đạo và Quốc Thanh vào những buổi sáng Chủ Nhật. 

Khả Năng thường tâm sự rằng Hài, đối với ông phải có ý nghĩa. Muốn làm được điều này, trước tiên Kịch sĩ hài cần phải có cái tâm. Tiếng cười phải được dùng để đả phá cái xấu trong xã hội chứ không mang những dị tật của người khác ra làm trò cười. Có lẽ nhờ quan điểm này mà Khả Năng luôn có cách diễn chừng mực, không bao giờ cường điệu hay khiếm nhã. 

Ít người biết được Khả Năng còn có trình độ về thanh nhạc và đã từng là thầy luyện giọng cho nghệ sĩ Thanh Nga khi cô này lấn sân sang lĩnh vực tân nhạc. Ông còn là người có giọng ngâm thơ miền nam rất tốt và từng cộng tác với Chương trình ngâm thơ của Ban Mây Tần của nhà thơ Kiên Giang-Hà Huy Hà trên đài phát thanh Sài Gòn. 

Sau năm 1975, Khả Năng bị đi tù cải tạo. Khi từ trại tù trở về Sài Gòn, có môt dạo ông cộng tác cho đoàn cải lương Sài Gòn 2 nhưng rồi lại quyết định đi vượt biên bằng đường bộ và mất tích ở Campuchia. 

Tuy đã vắng mặt trên sân khấu từ lâu, tên tuổi của danh hài Khả Năng vẫn còn được công chúng nhắc tới. Những vai diễn của ông, thông qua các băng và dĩa nhạc còn được tìm thấy, vẫn còn là phương tiện giải trí cho nhiều người, thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Mãi mãi trong lòng giới mộ điệu, ông là người nghệ sĩ hài mang tiếng cười ý nhị và sâu sắc đến với mọi gia đình và xứng đáng là một trong những gương mặt tiêu biểu cho làng hài Việt Nam.


Chu Văn Lễ
Vancouver ngày 26 tháng 11 năm 2016